The Suffering
The Suffering (TS) là tựa game kinh dị được Surreal Software phát triển và được Midway Games phát hành cho PS2, Xbox và Windows vào năm 2004.
Last updated
The Suffering (TS) là tựa game kinh dị được Surreal Software phát triển và được Midway Games phát hành cho PS2, Xbox và Windows vào năm 2004.
Last updated
Bạn đã từng chơi qua các dòng game kinh dị nổi tiếng như Silent Hill hay Resident Evil? Và bạn vẫn chưa thỏa mãn với cách mà các nhà làm game làm cho bạn “sợ”? Vậy tại sao bạn không thử qua tựa game The Suffering của Midway? Đảm bảo The Suffering sẽ làm bạn phải "thoát tim" vài lần bởi những cảnh trong game.
Nhà tù, đương nhiên là nơi giam giữ những phạm nhân bị kết án, nhưng trong một xã hội hỗn loạn thì ngay cả những người vô tội cũng vẫn bị giam cầm. TS mở đầu tại nhà tù Abbot, một nhà tù, hay nói đúng hơn là một pháo đài được xây dựng từ thế kỷ 18, chuyên dùng để giam giữ những phạm nhân bị kết án chung thân hoặc tử hình. Đây cũng là nơi xuất hiện rất nhiều những lời đồn đại về các hiện tượng ma quái trong rất nhiều năm liền mà không ai lý giải nổi. Người chơi sẽ vào vai nhân vật chính tên Torgue, một người bị nghi oan cho cái chết của vợ con và lập tức bị đày tới Abbot. Khi vừa đặt chân đến đây, mọi thứ xung quanh anh đảo lộn hoàn toàn: một cơn động đất bất ngờ xảy đến, và những con quái vật xuất hiện, tàn sát bất cứ ai chúng gặp trên đường đi. Trở thành người duy nhất sống sót, người chơi sẽ cùng Torgue giành giật sự sống từ tay lũ quái vật, và đặc biệt là một bóng ma - cũng là kẻ đứng đằng sau mọi chuyện.
Ngay từ khi mới bắt đầu game, bạn đã phải hành động một mình. Và hãy thử tưởng tượng cảm giác khi chỉ còn lại một mình bạn đơn độc, trơ trọi giữa không gian tranh tối tranh sáng của một nhà tù vừa bị bầy quái vật tấn công. Nếu như Resident Evil hay Silent Hill luôn có những khu vực an toàn mà bạn biết chắc chắn là đám zombie hay lũ chó ma không thể vào được, thì với TS, hãy quên những suy nghĩ đó đi! Cho dù bạn có chốt cửa, kiểm tra căn phòng kỹ lưỡng xung quanh và đinh ninh không còn “con gì” cả, thì bỗng một quái vật lao lên từ dưới sàn, chộp lấy Torgue và liên tiếp cắm những chiếc ống tiêm độc vào nhân vật chính. Có thể nói, trong không gian ma quái của Abbot, người chơi bị đặt hoàn toàn vào thế bị động, và phải cảnh giác mọi lúc mọi nơi, với mọi thứ “khả nghi” như một bóng đèn lấp ló, âm thanh tiếng xích sắt, hay một ống nước bị xì hơi bởi quái vật luôn có thể xuất hiện và vồ lấy bạn bất cứ lúc nào!
Tất nhiên, với bản chất là một game hành động góc nhìn thứ 3, Torgue không thể nào chống chọi với lũ quái vật bằng tay không. Trong suốt chặng đường minh oan cho bản thân, bạn sẽ cùng nhân vật chính trải nghiệm các món vũ khí từ thô sơ như một con dao nhỏ, gậy bóng chày, rìu cứu hỏa cho đến các món vũ khí “cao cấp” hơn như súng lục, shotgun, tiểu liên Skoprion, bom xăng, lựu đạn, v.v. và do không giới hạn số lượng vũ khí mang theo. Khía cạnh hành động của game cũng được Midway khá chăm chút, khi mà bạn được cung cấp tới 2 góc nhìn, đó là góc nhìn thứ 3 và góc nhìn thứ nhất khi ấn phím Ctrl. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được dụng ý của nhà sản xuất, khi tạo điều kiện cho người chơi trải nghiệm game theo cách mà họ cho là thoải mái nhất. Một điểm đặc biệt nữa khiến game trở nên độc đáo hơn so với các đối thủ cùng thể loại, đó là khả năng “hóa quỷ” của nhân vật chính. Khi hạ được một số quái vật nhất định, bạn có thể kích hoạt khả năng này và biến Torgue thành một con quái vật với sức mạnh kinh hồn.
Chính thức “lên kệ” vào năm 2004, hình ảnh của The Suffering khá đẹp mà không hề gây “nặng” máy. Mô hình nhân vật tuy còn hơi thô nhưng các cử động cũng không hề cứng nhắc. Lũ quái vật cũng được thiết kế khá đa dạng, từ những con thây ma hồi sinh béo núc ních, hay những con quái vật mang hình người và sở hữu 4 thanh kiếm sắc bén gắn ở 4 chi, sẵn sàng ra những cú xoay người đốn ngã đối thủ! Các hiệu ứng ánh sáng, và hiệu ứng ảo giác được thực hiện khá khéo léo và bài bản, tạo nên một không khí kinh dị rất riêng cho game. Bên cạnh đồ họa, âm thanh cũng được đầu tư rất tốt. Bạn có thể cảm nhận không khí hỗn loạn trước và sau khi trận động đất xảy ra, và cách mà nhà sản xuất đưa vào những tiếng động “ma quái” trong không gian tĩnh mịch không ít lần khiến người chơi phải “giật thót”. Bên cạnh đó, khâu lồng tiếng cũng tương đối truyền cảm, và không có sự gượng ép.
Trong thời điểm công nghệ phát triển với tốc độ “kinh hồn” như hiện nay, thì việc nhiều game thủ quay về thưởng thức những trò chơi cũ là chuyện khó tránh khỏi. Tổng kết lại, The Suffering là một tựa game kinh dị ở mức tốt. Vì thế, đừng ngần ngại khi “rước” trò chơi về máy và đưa nó vào bộ sưu tập game của bạn.